Nhộn nhịp dòng vốn đầu tư kho lạnh

Các tập đoàn, DN lớn và các quỹ đầu tư quốc tế gần đây rót vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kho lạnh, kho trừ hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Tập đoàn lớn nhạy bén với thời cơ

Cách nay khoảng một tháng, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam (VGSF), sau khi nhận được nguồn vốn tài trợ từ Ủy ban FinExpro (Vương quốc Bỉ), đã khởi công xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm khởi động dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Đại diện Quỹ Khởi nghiệp Xanh cho biết, kho lạnh đầu tiên được dự án này đầu tư có tổng vốn gần 24,5 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10.000 m2 (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Khi hoàn thành, kho lạnh sẽ được vận hành như một trung tâm bảo quản, trữ lạnh nông sản phục vụ các DNNVV và hợp tác xã nông nghiệp trước khi kết nối với các nhà xuất khẩu để xuất sang thị trường EU và Trung Đông.

Trước Quỹ Khởi nghiệp Xanh, trong quý 3/2020, nhận thấy nhu cầu thuê kho trữ, kho lạnh tăng đột biến ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là đối với các công ty sản xuất chế biến hàng thực phẩm đông lạnh như thủy hải sản, trái cây… hàng loạt các tập đoàn lớn đã đầu tư cả trăm tỷ đồng vào các trung tâm lạnh quy mô lớn.

nhon nhip dong von dau tu kho lanh
Khảo sát của Ken Research thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2021

Chẳng hạn, Tập đoàn ABA Cooltrans mở thêm một trung tâm phân phối lạnh quy mô 10.000 m2 với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM). Đây là trung tâm lạnh thứ 3 mà tập đoàn này đầu tư tại Việt Nam trong vòng hai năm trở lại đây. Khi hoàn thành, trung tâm sẽ có khoảng 5.000 m2 kho lạnh với sức chứa 8.000 tấn và có khả năng lưu và vận chuyển hàng hóa cho 1.000 điểm xung quanh khu vực TP.HCM.

Tập đoàn THACO cũng đầu tư hệ thống kho lạnh lớn tại khu kinh tế Chu Lai với sức chứa 2.400 tấn để dự trữ, bảo quản trái cây xuất khẩu. Trong năm nay đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ thống kho lạnh và trung tâm giao nhận – vận chuyển để nâng sản lượng trái cây xuất khẩu qua cảng biển Chu Lai đạt mức 120.000 tấn/năm. Trong khi đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã phối hợp với hãng vận chuyển quốc tế Gemadept thành lập liên minh Mekong Logistics với mục đích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh và xây dựng kho lạnh có sức chứa 50.000 pallets. Bên cạnh đó, Tập đoàn Sao Ta vừa qua cũng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An. DN này ngay khi đi vào hoạt động đã nhận được giấy phép đầu tư hệ thống kho lạnh 9.000 tấn tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Sóc Trăng…

Cơ hội mở rộng tín dụng

Thị trường trữ và vận chuyển lạnh đang có nhu cầu khá lớn. Năm ngoái, theo một khảo sát của Euromonitor, chỉ tính riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh trong ngành bán lẻ cũng đã đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Nếu tính luôn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh, quy mô này có thể lên đến gần 10 tỷ USD vào năm 2020, chưa kể lĩnh vực thủy, hải sản. Như vậy tiềm năng thị trường là rất lớn.

Tổng hợp từ các nguồn thống kê tỷ lệ khai thác các kho lạnh trong nước đạt khoảng 90%. Các tên tuổi nội địa lớn như: ABA Cooltrans, Transimex, Hùng Vương, Mekong Logistics, MP Logistics, Vinafco Vietnam… đều đang đầu tư nhiều vào hệ thống lạnh. Tuy nhiên, theo khảo sát của CEL Consulting mới chỉ có khoảng 8,2% nhà sản xuất cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi lạnh, số liệu thời điểm cuối 2019. Vì thế, tình trạng hư hỏng trong sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn (25,4%), rác thải nông nghiệp do sản phẩm nông sản hư hỏng cũng cao hơn 5,3% so với tiêu chuẩn của quốc tế.

Một đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu đã có sự thay đổi. Các chuỗi cung ứng lạnh đã mở thêm cơ sở tại nhiều quốc gia và chú trọng nhiều hơn đến mức độ an toàn cũng như khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới. Riêng đối với ngành thủy sản Việt Nam, hiện hầu hết các công ty lớn có quy mô cấp vùng đều chú trọng đầu tư chuỗi cung ứng lạnh. Tuy nhiên việc đầu tư này bị rào cản lớn về vấn đề chi phí.

Theo Vasep, thời điểm giữa năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các thị trường nhập khẩu, nhu cầu đầu tư kho lạnh tăng cao, hiệp hội đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh công suất 5.000 pallet trở lên. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính giảm 50% thuế thu nhập DN cho hai năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được các bộ ngành và Chính phủ chấp thuận.

Trên thị trường hiện nay đã có một số quỹ tài chính quốc tế đầu tư vào hoạt động này, như quỹ của FinExpro đầu tư vào lĩnh vực kho lạnh tại ĐBSCL, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã thông qua khoản vay trị giá 70 triệu USD đầu tư vào ITL Corp để phát triển kho lạnh, kho dự trữ hàng hóa tại khu vực TP.HCM…

Hoạt động tín dụng ngân hàng hiện nay chủ yếu thông qua các sản phẩm cho vay để đầu tư kho lạnh, kho trữ do các NHTM kết hợp vào các gói cho vay trung, dài hạn truyền thống để đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ chuyên biệt. Trong khi đó, trong các tháng cuối năm nay và dự kiến năm 2021 nhu cầu đầu tư kho lạnh, kho trữ của DN ngày càng cao. Lĩnh vực xuất nhập khẩu và bán buôn, bán lẻ vẫn là lĩnh vực được đa số các ngân hàng đánh giá là động lực để tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy, nếu phát triển thêm các gói vốn vay lãi suất hợp lý đầu tư kho lạnh, kho trữ hàng hóa thời điểm này cũng có thể xem là cửa ngách để các ngân hàng mở rộng thị trường tín dụng.

Nguồn : thoibaonganhang.vn